Nỗ lực đảm bảo thực phẩm an toàn trong dịp Tết.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, cùng với nỗi lo khan hàng, tăng giá, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được người dân quan tâm. Trong đó, vấn nạn thực phẩm kém chất lượng ở các chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống… được quan tâm đặc biệt. Để giảm bớt sự lo lắng cho người tiêu dùng, mới đây hàng loạt các sở, ban, ngành đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, xử lý, đảm bảo nguồn cung hàng hóa an toàn nhất cho người dân.
Những ngày cận Tết, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xuất hiện nhiều loại hàng hóa, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để đảm bảo đủ lượng hàng hóa phục vụ người dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình bình ổn giá, ký kết với các doanh nghiệp sản xuất, khai thác hàng hóa dự trữ đảm bảo nhu cầu đa dạng của tiêu dùng, cụ thể: Có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng hóa với số tiền lên đến 8.680 tỷ đồng; tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm so với năm 2018)…
Chợ cóc, chợ tạm vẫn tiềm ẩn nỗi lo về thực phẩm an toàn.
Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, ước tính tổng giá trị hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết 2019 vào khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2018. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi gồm: Gạo 190,600 tấn, thịt lơn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.300 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254.000 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy...
Nhìn vào kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp, người tiêu dùng có cơ sở tin tưởng dịp tết Nguyên đán năm nay hàng hóa tiêu dùng, nhất là những mặt hàng thiết yếu sẽ rất dồi dào với giá bán ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, phấn khởi đó, không ít người tiêu dùng vẫn còn những băn khoăn lo lắng về chất lượng hàng hóa; nguồn gốc và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bởi lẽ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 239 chợ, trong đó có gần 170 chợ loại 3 và chợ tạm. Trong khi ba chợ đầu mối và các chợ loại 1, loại 2, việc kiểm tra, giám sát về giá cả, chất lượng hàng hóa được thực hiện khá tốt thì ở các chợ loại 3, chợ tạm, chợ tự phát, việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, chưa đi vào nền nếp, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Với số lượng hơn 10.688 điển bán hàng bình ổn giá, cùng hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố, người dân có thể yên tâm được sử dụng các loại thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng đó chính là người tiêu dùng ở nông thôn, khu vực có đông công nhân, người lao động, khu vực vùng ven, các huyện ngoại thành… số điểm bán hàng bình ổn giá còn ít, thực phẩm không rõ nguồn gốc ở các chợ tạm, chợ dân sinh, chợ truyền thống là rất lớn. Vì thế, để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng cần mở thêm các điểm bán hàng, hoặc tổ chức nhiều chuyến xe bán hàng lưu động, hội chợ an toàn thực phẩm… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, dẹp nỗi lo thực phẩm, nhất là vào những ngày giáp Tết.
Tăng cường công tác kiểm tra
Có thể thấy, việc lo ngại của người tiêu dùng về vấn nạn thực phẩm giả, thiếu an toàn tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh… không phải là không có cơ sở, đặc biệt vào dịp Tết. Vì thế, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức sức khỏe của người dân trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm, góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán 2019, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra 135 cơ sở, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn toàn thành phố, qua đó xử phạt hơn 150 triệu đồng do nhiều lỗi vi phạm. Việc kiểm tra sẽ được Chi cục ATVSTP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh từ 1/1/2019 tới, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2019.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong dịp tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, triển khai 2 hoạt động an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018 theo chỉ đạo của Trung ương… Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp methanol trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2019 vì nhu cầu sử dụng rượu dịp cuối năm tăng đột biến. Theo đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn thành phố nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Đặc biệt, theo chia sẻ của bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá trái pháp luật, việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…
Có thể thấy, việc tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng TP Hà Nội nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng là một trong những động thái tích cực, hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân trong việc mua bán hàng hóa dịp tết Kỷ Hợi. Tuy nhiên, để thực sự đảm bảo bữa ăn được an toàn trong dịp Tết, thì người tiêu dùng cũng cần trang bị những kiến thức an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch; các quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, lưu hành sản phẩm, quảng cáo sản phẩm thực phẩm; quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về sinh an toàn thực phẩm, quy định về khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm…